Dòng sông không vội

100,000 

Dường như đối với Khánh, thơ là “những giọt buồn biết bay”. Khi nói thế, cái buồn không còn dừng lại ở những gì cá biệt nữa mà bay đi, mà tan đi vào sương mù, vào dòng sông, vào mây khói. Cái buồn đó không bao giờ ở yên, ứ đọng mà nó cứ trôi, cứ ra đi, cứ bay, cứ rơi rụng… Ngay cả rêu cũng không phủ không phong mà là “rêu tìm cánh bay”:

em về phố cũ rêu tìm cánh bay

Chẳng lẽ cái buồn ở đây chính là “cái bay”? Một hình ảnh rêu lạ lùng khó tìm thấy ở đâu khác.

Một mặt, thơ ca muốn chắp cánh cho rong rêu, mặt khác lại muốn cột chân những gì phiêu bồng bay lượn:

vì ngón sầu tịch mịch
bao kiếp mong cột cọng mây
được rồi, sương khói thôi bay

Nhưng tất nhiên, cái buồn có khát vọng bay. Nếu không, nó sẽ đánh chìm cuộc đời. Nhà thơ hiểu điều đó.

Instock
- +
Compare
Danh mục:
Share:

Mô tả

Lâu nay, chúng ta hay bình thơ một cách cảm tính. Người làm thơ lục bát phê phán thơ văn xuôi. Người làm thơ văn xuôi phủ nhận thơ lục bát. Đấy luôn là sự sai lầm, ngốc nghếch, trẻ con, vì thơ ca không phải là vậy. Trên mặt đất có bao nhiêu cây cỏ sinh ra, có bao nhiêu côn trùng sinh ra, thì thi ca cũng được sáng tạo ra theo cách đó, cũng đa dạng, cũng khác biệt và vô tận. Một thiền sư nói: “Bạn hãy nhìn vào không gian, mở lối vào không gian bạn sẽ thấy một cánh cửa, mở tiếp một cánh cửa khác, mở tiếp và mở tiếp, mở đến hết đời những cánh cửa… và mở đến vô tận…”. Thơ ca của mỗi người cũng thế, tôi tôn trọng sự khác biệt đó, và tất nhiên trong sự khác biệt có những yếu tố chung. Và ở đây, thơ của Trần Lê Khánh mang lại sự khác biệt.

Đêm qua, tôi có đọc 2 bài thơ và sáng nay tôi có đọc lại. “Màu linh hồn” và “Về”. Khi đọc một bài thơ, tôi thường khảo nghiệm trên một bài thơ về ngôn ngữ, ý tứ, cấu trúc, về tư tưởng. Bài thơ “Về” nói một con chim đến đậu trên một chiếc lá vàng. Rồi cả con chim và chiếc lá đó lại mong kiếp sau hóa thành người, để cả hai cùng trở về dưới gốc cây cũ đó, ngồi xuống và đợi chờ nhau. Cách thức này giống một bài thơ Tứ tuyệt, Đường luật nhưng nó tự do đến vô cùng. Và chính sự tự do này, ngôn ngữ này đã mang đến một vẻ đẹp hoàn toàn khác cho một thể loại thơ ngắn như vậy. Ở đó, trong sự tự do này lại chứa đựng niêm luật kiên định và chắc chắn, nhưng không phải thể thơ Đường luật hay các thể thơ khác, mà là đảm bảo tình bền vững bởi cấu trúc thơ hiện đại trong ngôn từ.

Nhà thơ Nga Puskin nói: “Thơ gần với tiếng nói đời thường nhất”. 35 năm trước khi tôi đọc lời bình này của ông bằng tiếng Anh, tôi đã ngờ vực và không tin điều đó. Tại sao một nhà thơ vĩ đại có thể nói như vậy? Thơ ca phải là cái gì khác đi, phải bay bổng, phải mượt mà, phải điệu đàng, phải đầy tính từ và hoa mỹ. Thế nhưng khi tôi lớn lên, già đi, nhiều phiền muộn hơn, cũng như nhiều đau khổ, nhiều hạnh phúc hơn, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi mới thấy rằng Puskin là một nhà thơ vĩ đại và lời ông nói thật chính xác. Nếu các anh chị có thể đọc nhiều thơ đương đại trên thế giới thì các anh chị sẽ thấy càng ngày thơ càng giản dị vô cùng. Nhưng sự giản dị đó là sự chắc chắn, bền vững và mới mẻ.

Theo cá nhân tôi, khi tiếp xúc với thơ của anh Trần Lê Khánh thì tôi muốn được đọc tiếp, đọc lại để xem cái gì tiếp theo, để giải mã con đường nào đó… Nhưng trong hôm nay thì tôi chỉ xin bày tỏ một vài điều như vậy. Cá nhân tôi xin chúc mừng anh Khánh. Tôi chỉ thay mặt tôi – một nhà thơ làm thơ đã quá mệt mỏi, vất vả trong mấy chục năm nay rồi (chứ không thay mặt cho nhà xuất bản hay một đại diện nào khác), chúc mừng Khánh.

Tôi luôn mong người khác đi qua mình, tự do hơn, mạnh mẽ hơn, khác biệt hơn và những người đi sau vượt qua tôi. Đó không phải là điều gì mỹ miều và quá khiêm tốn. Có lần nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, thầy tôi đã dẫn con ông, nhà thơ Nguyễn Quyến 17 tuổi, đến nhà tôi, nhờ tôi nghe hộ thơ của Nguyễn Quyến. Nguyễn Quyến đọc cho tôi nghe 10 bài thơ, rồi căng thẳng, hồi hộp ngồi chờ nghe ý kiến của tôi “Chú thấy thơ cháu thế nào?”. Tôi đã trả lời nhà thơ Nguyễn Tấn Việt rằng: “Em vừa vui vừa quá buồn. Vui vì cháu nó viết thơ quá mới, quá hay, khác biệt chúng ta. Buồn vì cháu nó đã bay qua đầu anh em mình rồi…”. Tôi nghĩ rằng đó là sự thật. Việc một thế hệ mang giọng nói của riêng họ, mà thế hệ trước không mang. Nhưng thế hệ sau nên hiểu rằng chúng tôi mang giọng nói chính xác và đầy trắc ẩn của thế hệ chúng tôi, chứ không phải chúng tôi đã cũ. Mỗi người một con đường. Con đường của chúng tôi là con đường vẫn mới trong đời sống chúng tôi, trong thế hệ chúng tôi. Và nhiệm vụ của các bạn trẻ là phải đi con đường khác. Nếu chúng tôi ngoảnh lại mà vẫn thấy người trẻ vẫn đi theo chúng tôi thì đó là sự thất bại của các nhà thơ, của một nền ngôn ngữ, thi ca, thất bại cả trong tư duy ở mọi lĩnh vực của một dân tộc, chứ không riêng gì trong thi ca.

– Nguyễn Quang Thiều

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Dòng sông không vội”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Shopping Cart Items

No products in the cart.

Return to Shop
Search for:
X